This is default featured post 1 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured post 2 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

This is default featured post 3 title

Go to Blogger edit html and find these sentences.Now replace these sentences with your own descriptions.

Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Sai lầm lớn nhất CEO thường mắc phải là gì?

Một trong những sai lầm lớn nhất mà CEO có thể mắc phải là giả vờ hoàn hảo. Thừa nhận sai lầm là cho thấy rằng bạn yếu đuối và dễ bị tổn thương, giúp cho cả bạn lẫn công ty trở nên mạnh hơn.

Sai lầm lớn nhất CEO thường mắc phải là gì?
Leadership Insider là một cộng đồng mạng, cũng là nơi những nhân vật sâu sắc và có tầm ảnh hưởng nhất trong giới kinh doanh đóng góp các câu trả lời cho những câu hỏi về nghề nghiệp và kĩ năng lãnh đạo. Và đây là câu trả của Mike Tuchen, CEO của Talend, dành cho câu hỏi: “Sai lầm lớn nhất CEO thường mắc phải là gì?”
Chúng ta hãy đối mặt với nó. Hầu hết mọi người đều có thời điểm khó khăn trong việc thừa nhận rằng họ sai, nhưng thậm chí là khó khăn hơn khi bạn được xem là hình mẫu. Nhưng theo kinh nghiệm từng làm CEO của tôi tại một vài công ty thì thừa nhận thất bại là một bước rất quan trọng trên đường đến thành công. Đây là ý kiến của tôi về cách kiểm tra lại “cái tôi” để giúp bản thân mình và công ty.
Thừa nhận thất bại để hướng đến thành công
Mặc dù nhiều người tin rằng họ không thể thừa nhận thất bại bởi vì điều đó làm cho họ trông có vẻ yếu đuối và dễ tổn thương, nhưng sự thật là một nhà lãnh đạo thật sự tự làm cho mình yếu đuối hơn khi không thừa nhận các sai lầm. Nếu bạn phạm sai lầm, nhiều khả năng là các báo cáo trực tiếp của bạn đã gặp thất bại – vì ai cũng biết đến nó rồi.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: bạn sẽ làm gì để sửa chữa sai lầm đó? Nếu bạn cố giả vờ rằng nó chưa xảy ra thì điều đó sẽ tạo ra một môi trường bị “cái tôi” dẫn dắt, khuyến khích người khác cũng phạm sai lầm và lờ đi những hậu quả. Nhưng, nếu bạn đối mặt với thất bại, hãy đặt câu hỏi xem mình đã làm điều gì sai và đưa vấn đề đó ra thảo luận, mổ xẻ. Toàn bộ công ty bạn sẽ có thể học được một điều gì đó từ nó, và điều này cũng sẽ giúp cho bạn và công ty tạo ra được một môi trường sẵn sàng học hỏi.
Yêu cầu mọi người có những phê bình
Một số phản hồi quan trọng nhất liên quan đến sự hiệu quả trong công việc của bạn rất thường bị bỏ qua. Là CEO, rất cần phải nhận phản hồi, nhưng chấp nhận chúng thì quả thật không hề dễ dàng. Các nhân viên không thể chủ động nói đến những vấn đề về sự hiệu quả của bạn trong công việc vì họ cứ cho rằng bạn chỉ muốn nghe điều tốt đẹp.
Đó là lý do vì sao tất cả các quản lý cấp độ C, và đặc biệt là các CEO, nên có các đợt đánh giá, cho phép những người quen với việc đó cung cấp phản hồi, cả giấu tên lẫn công khai. Cách bạn phản ứng với phản hồi đó là rất quan trọng (xem lại lời khuyên trước). Bạn phải nỗ lực có ý thức để cho mọi người biết rằng bạn rất vui vì họ đã khiến cho bạn chú ý đến vấn đề đó, và rồi hãy thảo luận về việc làm thế nào và tại sao điều đó lại xảy ra được, cũng như cách để tránh lặp lại nó trong tương lai. Sau đó, hãy tiến hành những bước tiếp theo để cải thiện nó.
Hãy biết được là mình không biết chuyện gì
Không thể nào biết được mọi thứ cần thiết để quản lý thành công một công ty; chìa khóa ở đây là ‘hãy biết được là mình không biết chuyện gì’ và yêu cầu mọi người giúp đỡ. Hãy “bao” xung quanh bạn – cả trong công ty lẫn các mối quan hệ bên ngoài - bằng những người thông minh có các kĩ năng và xuất thân khác nhau. Khi bạn không hiểu cách giải quyết một vấn đề nào đó, cho dù đó là về văn hóa, điều hành hay chiến lược marketing, hãy kiếm một người phù hợp trong số đó.
Nếu vấn đề đó thỉnh thoảng mới xảy ra, thì bạn có thể gọi cho một nguồn trợ giúp bên ngoài, chẳng hạn như một nhân viên tư vấn hoặc thậm chí là một cố vấn. Nếu chuyện đó cứ lặp đi lặp lại thì bạn cần phải tạo ra một vị trí mới, làm việc toàn thời gian trong công ty để xử lý nó.
Những nguồn trợ giúp bên ngoài có giá trị đặc biệt khi bạn gặp phải một vấn đề mới hoặc duy nhất. Bằng cách nhờ nguồn đó, bạn có thể khám phá ra rằng đã có giải pháp dành cho điều đó, giúp cho bạn không cần phải tốn thời gian và công sức nghĩ cách làm điều đã có sẵn, hoặc là bạn có thể biết được rằng mọi người cũng đang vật lộn với những vấn đề tương tự, và trong trường hợp nào thì bạn không cần phải ngại đến chuyện sáng tạo ra cái mới và tạo ra giải pháp cho riêng mình.
Hãy nhớ rằng không có gì là tội lỗi khi sử dụng một giải pháp đã có sẵn nếu nó phù hợp với vấn đề mình cần giải quyết. Biết được khi nào cần phải sáng tạo thì cũng quan trọng như biết được khi nào không cần phải làm thế.
Một trong những sai lầm lớn nhất mà CEO có thể mắc phải là giả vờ hoàn hảo.Thừa nhận sai lầm là cho thấy rằng bạn yếu đuối và dễ bị tổn thương, giúp cho cả bạn lẫn công ty trở nên mạnh hơn. Các cá nhân hay tổ chức thường hay “đổ thừa” thất bại cho một điều gì đó chứ không phải là do sự làm việc “dưới chuẩn” hay điều hành kém hiệu quả. Nhưng cứ chơi trò “đổ thừa” thì không thể tạo ra được sự phát triển hay tốt đẹp hơn.
Lê Thanh Hải
Theo Trí Thức Trẻ/Fortune

Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Bán 100 kg khoai lang chỉ đủ mua một ly nước mía

Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long được xem là "thủ phủ" khoai lang của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Nhưng ít ai biết, nông dân đang bán 100 kg khoai lang với giá 5.000 đồng.


Bán 100 kg khoai lang chỉ đủ mua một ly nước mía

Một tạ khoai bằng ly nước mía

Chuyện tưởng đùa nhưng là thật, đang xảy ra tại huyện Bình Tân. Thời gian gần đây, giá khoai lang nói chung và khoai lang tím Nhật nói riêng trong tình trạng rớt thảm hại, khiến người trồng thua lỗ nặng.
Trong những ngày cuối tháng 7, chúng tôi về ấp Tân Hòa, xã Tân Hưng, huyện Bình Tân để nắm bắt tình hình tiêu thụ loại nông sản đặc trưng của vùng này. Lời đầu tiên nông dân Nguyễn Văn Lê thốt lên: “Lỗ nặng rồi cô chú ơi, giá 'bèo' quá. Mỗi công (1.000 m2) khoai tôi lỗ trên 10 triệu đồng”.
Theo ông Lê, gia đình ông trồng 9 công khoai lang, đầu tư hết 135 triệu đồng. Qua 4,5 tháng chăm sóc, thu hoạch được gần 700 tạ.
Sau khi móc thử khoai dưới rẫy, thương lái kêu giá loại 1 (có lỗi, do sâu trùng gặm nhấm trở lại) 190.000 đồng/tạ. Số khoai còn lại gọi là hàng dạt, giá 5.000 đồng/tạ. Sau khi thu hoạch 9 công khoai lang tím Nhật, lái mua phân loại chỉ được 200 tạ loại 1, số còn lại họ thu 5.000 đồng/tạ.
Trồng ra rồi, lái người ta lựa khoai, người ta nói sao, mua sao phải chịu vậy chứ không bán thì biết đổ đi đâu. Sốt ruột nhìn khoai đẹp mà bị dạt xuống giá 5.000 đồng/tạ, chỉ bằng uống 1 ly nước mía”, ông Lê nói.
Chúng tôi gặp bà Lê Thị Liễu (ấp Hưng Hòa, xã Tân Hưng, huyện Bình Tân), từng là nông dân trồng khoai lang tại đây, bà chia sẻ: Mới vụ đầu tiên nhảy ra trồng khoai trên diện tích 6 công đất, sau 4,5 tháng chăm sóc, bà thu hoạch bán được 22 triệu, lỗ hơn 60 triệu đồng. Không còn khả năng đầu tư sản xuất, bà Lê đành đi làm thuê, đến từng ruộng, lựa (phân loại) khoai cho lái buôn.
Thua lỗ, trắng tay, không có vốn tiếp tục làm ăn, nợ nần chồng chất, phải đi làm thuê làm mướn là hoàn cảnh khốn khổ của nhiều nông dân trồng khoai lang tím huyện Bình Tân, Vĩnh Long.
Những bao khoai được phân loại với giá 2.500đồng/bao.
Khoai được phân loại thương lái mua với giá 2.500 đồng/bao.

Nông dân bị thương lái ép giá

Để được thu hoạch, người trồng khoai phải mất 4,5 tháng chăm sóc và đầu tư phân, giống... Nhưng khi tới ngày thu, nếu lái không mua, để củ già thì bị dạt hàng, không bán được.
Điều đáng nói là đến nay, người trồng khoai cũng không biết thương lái dựa vào tiêu chuẩn nào để phân loại, phân giá trước khi mua. Khi đã trồng khoai, đến ngày thu hoạch bán, họ chỉ biết chấp nhận nghe theo thương lái.
Ông Lê Văn Nghĩa bức xúc: Lái khôn lắm, chỉ xuống ruộng móc sơ sơ vài cũ khoai xem rồi sau đó họ ép giá liền. Nếu khoai quá thời gian trồng (củ già), thương lái sẽ ép mua theo hàng dạt cả rẫy, tức 5.000 đồng/tạ. Nếu thu hoạch đúng thời gian, sau khi móc xem củ khoai đẹp, thương lái đưa ra giá 170.000 đồng/tạ (loại 2 lổ), củ khoai 3 lổ là bị xếp xuống hàng dạt”.
Cũng theo ông Nghĩa, em trai của ông vừa kêu lái bán rẫy khoai lang. Lái xuống rẫy móc khoai xem thử và đưa ra giá chắc nịch: Khoai từ 4 lổ trở xuống là mua theo loại 1, giá 100.000 đồng/tạ, số còn lại hàng dạt là 5.000 đồng/tạ.
Nói về cách phân loại khoai để định giá, nhiều nông dân cho biết, khoai được phân làm 2 loại: Loại 1 (loại xuất khẩu) là những củ đẹp, không bị lổ (hoặc lổ ít tùy theo giao kèo giữa chủ khoai và thương lái), không hư thối và phải đạt trọng lượng từ 50 gam/củ trở lên. Loại 2 là loại rớt lại (tiêu thụ trong nước) nhưng đảm bảo không hư thối.
Nghe qua tiêu chí phân loại khá hợp lí, nhưng khi đi vào phân loại thì các thương lái lại chọn lựa rất kỹ càng. Chỉ cần củ khoai có chút trầy xước là bị xếp loại 2, với mức giá có như không.
Ông Lê cho biết: “Sản lượng khoai loại 1 rất ít, chỉ đạt khoảng 35 tạ/công, còn lại là khoai loại 2 và khoai dạt. Đối với khoai loại 2, thương lái thu mua chỉ 5.000 đồng/tạ, nhưng cũng phải ép lòng mà bán. Nếu không bán cho họ thì cũng chẳng biết bán cho ai”.
Giá khoai rẻ như bèo, nhiều người dùng để lót đường đi.
Giá khoai rẻ bèo, nhiều người bỏ vô bao dùng để lót đường đi.
Theo kinh nghiệm của nông dân, khoai nguyên liệu khi bán là phải đủ ngày đủ tháng, khoai thiếu ngày hay quá lứa một chút lái không chịu mua. Bên cạnh đó, một điều khiến nông dân cảm thấy lạ và khá bất ngờ, là có thêm việc xem xét khoai có nổi hay không, nếu củ khoai nổi thương lái sẽ không lấy.
Bà Liễu ngạc nhiên nói: "Không biết sao khoai nổi thì thương lái không lấy; trong khi khoai lang ngâm vào nước thì lúc đầu sẽ nổi, sau đó mới chìm dần. Giá cả đã thế, lại thêm kiểu phân loại này, chắc thêm nhiều nông dân gặp khó”.
Không hiểu những tiêu chí phân loại này từ đâu mà ra. Liệu đây có phải “quy định” do các thương lái tự đặt ra để ép giá nông dân.
Theo Hồng Nhung - Hoàng Thật
Pháp luật Việt Nam

Thứ Ba, 21 tháng 7, 2015

4 bài học kinh doanh từ người giàu nhất “trong những người giàu nhất”

Cuộc sống và sự nghiệp của ông vua dầu lửa, Rockefeller đã chạm đáy khi còn trẻ, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, ông không những thoát khỏi mà còn vươn lên trở thành một huyền thoại.

4 bài học kinh doanh từ người giàu nhất “trong những người giàu nhất”
Lịch sử thế giới đã ghi nhận tài năng đáng kinh ngạc của nhà tư bản người Mỹ, John D.Rockefeller. Ông được mọi người kính nể bởi chính khối lượng tài sản khổng lồ tạo được và động lực làm giàu của ông.
Khi mà trên thế giới chỉ có vài người nắm trong tay tiền triệu thì Rockefeller đã gây dựng khối tài sản một tỷ đô la. Và phải mất 40 năm với công ty tự lập Standard Oil, ông đã biến nó từ một doanh nghiệp vô danh thành một nơi luôn có doanh thu và lợi nhuận cao nhất thế giới. Vì vậy, ông được mệnh dành là ông vua dầu lửa. Ngoài ra, ông cũng được biết đến là người giàu nhất trong những người giàu nhất.
Có rất nhiều bài học để chúng ta có thể học tập từ cuộc sống của Rockefeller, bởi vì câu chuyện làm giàu của ông hư ảo như truyện cổ tích mà chúng ta thường gặp lúc nhỏ.
Xuất thân từ một gia đình nghèo, học không đến nơi đến chốn và không thể giữ được mối tình đầu do gia đình nhà gái ngăn cản vì nghèo. Cuộc sống và sự nghiệp của ông đã chạm đáy khi còn trẻ, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, ông không những thoát khỏi mà còn vươn lên trở thành một huyền thoại.
Sau đây là bốn bài học kinh doanh từ Rockefeller, một lát cắt nhỏ trong cuộc sống của ông nhưng lại là viên gạch nền tảng để thành công trong sự nghiệp.
Khiêm tốn
Khi được hỏi làm thế nào để không đánh mất chính mình khi bản thân đã giàu có, quyền lực và nổi tiếng, Rockefeller đã nói, “Bởi vì bạn đã có một sự khởi đầu tốt, bạn cho phép mình trở nên tự kiêu và đánh mất bản chất ổn định. Bạn đừng để tiền ảnh hưởng lên con người của bạn. Hãy đảm bảo mắt của bạn luôn mở để học hỏi và đừng đánh mất sự thăng bằng”.
Ông nói thêm, “Tôi luôn có những khoảng thời gian để tự nói chuyện với bản thân và chắc chắn rằng điều này đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của tôi. Tôi đã từng sợ khi nghĩ rằng mình không thể chịu đựng được sự thịnh vượng hay hoài nghi về thành công. Vì thế tôi đã phải cố gắng để rút kinh nghiệm cho bản thân mình không được thổi phồng với bất kỳ sự lo lắng hay ý niệm ngu ngốc ”.
Tự tin là tốt. Nhưng tham vọng một cách lộ liễu hay quá tự tin là tự sát. Dù đạt được thành công phi thường, Rockefeller luôn là người rất khiêm tốn. Ông không bao giờ đánh mất đi bản chất giản dị trong đời sống và thường từ chối tiếp xúc với các phương tiện truyền thông.
Xác định rõ mục tiêu
Rockefeller luôn đặt ra mục tiêu cho bản thân và thiết lập, xây dựng vững chắc khi đã đạt được chúng. Lý do ông đặt ra mục tiêu là để hướng mình vào những suy nghĩ tích cực và tiếp tục tiến lên phía trước để đạt những gì ban đầu được cho là không thể.
Khi ông khởi nghiệp, có hàng trăm doanh nhân khác ở Mỹ cũng bắt đầu với các nhà máy lọc dầu của riêng mình. Vì vậy, doanh nghiệp nhỏ bé Standard Oil của ông chỉ là một trong rất nhiều các nhà máy lọc dầu khác ở Cleveland.
Rockefeller biết rằng cách duy nhất để thành công trong kinh doanh và giảm bớt sự cạnh tranh từ đối thủ là thâu tóm các công ty khác. Tựa như một hòn tuyết lăn, Rockefeller lấy lợi nhuận của công ty để mua các doanh nghiệp lọc dầu khác.
Mục tiêu của ông là dành sự độc quyền trong ngành kinh doanh này. Chính cách thức này đã khiến ông giảm bớt đối thủ và mở rộng quy mô của Standard Oil.
Hành động quyết đoán
Rockefeller sẵn sàng chấp nhận rủi ro chỉ để có một cơ hội chinh phục thế giới. Nhưng ông chỉ tham gia nếu vụ giao dịch có xác suất thắng cao.
Công ty Standarl Oil ban đầu được thành lập bởi Rockefeller và anh em nhà Clark. Nhưng mới chỉ bước những bước đầu tiên trong sự nghiệp, ông biết rằng một nước không thể có hai vua nên ông đã bắt đầu chiến dịch thâu tóm. Nạn nhân đầu tiên, chính là đối tác kinh doanh của ông, anh em nhà Clark.
Bí mật hành động, ông làm việc chăm chỉ và tập trung tiềm lực tài chính của mình để hoàn thành mục tiêu. Ở tuổi 26, ông đã mua lại quyền kiểm soát của anh em nhà Clark với số tiền khá lớn vào thời điểm đó: 72.000 đô la.
Sự táo bạo và quyết đoán là nét đặc trưng của ông vua dầu lửa Rockefeller.
Làm việc thông minh, đừng trở thành nô lệ của nó
Nếu sự chăm chỉ làm việc của chúng ta khiến mình bỏ qua thời gian để thưởng thức cuộc sống và dành thời gian cho gia đình thì đó là cách thức làm việc không hiệu quả. Rockefeller chưa bao giờ để mình làm nô lệ của công việc hoặc là một mẫu hình thành công bằng sự chăm chỉ cao độ.
Ông luôn luôn dành chọn một ngày chủ nhật với gia đình, bạn bè và người thân. Bất kể là việc gì thì ông cũng khéo léo đề nghị là ngày nào trong tuần cũng được, chỉ trừ ngày chủ nhật.
Như người viết tiểu sử của ông, Chernow giải thích: “Rockefeller làm việc với một tốc độ nhàn nhã hơn nhiều giám đốc điều hành khác. Ông có thói quen ngủ trưa một giờ và thường đánh một giấc sau khi ăn tối. Một khi Rockefeller đã ngáy khò thì ngay cả tổng thống Hoa Kỳ cũng không thể đánh thức ông dậy”.
Rockefeller tin rằng sự tập chung chỉ đến khi làm việc một cách thông minh hơn là làm việc trong nhiều giờ liên tục. Khi được hỏi về thói quen làm việc của mình ông nói, “Không nhiều người trong chúng ta đạt được những điều lớn lao vì thất bại ở việc tập trung vào nhũng điều cần phải thực hiện khi thời điểm thích hợp đến”.
Vì thế, sẽ luôn có thời gian để nghỉ ngơi và theo đuổi sở thích khi chúng ta xây dựng được cách thức làm việc đúng đắn.
Đinh Lộc
Theo Trí Thức Trẻ

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2015

Khởi đầu khó tin của 5 công ty nổi tiếng thế giới

Dưới đây là 5 công ty nổi tiếng bắt đầu với dòng sản phẩm hoàn toàn khác so với những gì mọi người biết đến ngày nay.

Khởi đầu khó tin của 5 công ty nổi tiếng thế giới

1. BMW từng là công ty sản xuất máy bay

Ảnh: BMW.com
Ảnh: BMW.com
Được thành lập năm 1916, Bavarian Motor Works – BMW vốn là một hãng sản xuất máy bay. Chính công ty này là đơn vị cung cấp máy bay chiến đấu cho Đức trong Thế chiến thứ nhất. Nhưng sau cuộc chiến mà Đức thất bại, hòa ước Versailles nghiêm cấm việc sản xuất máy bay tại các nước trung Âu, The Richest thông tin.
Nguồn doanh thu chính bị tước mất, BMW chuyển sang hướng khác và bắt đầu sản xuất môtô từ đó. Ngày nay, môtô của BMW vẫn được nhiều người săn lùng nhưng vị thế không giống như xe hơi của hãng - biểu tượng của sự xa xỉ.
Chiếc xe hơi đầu tiên do BMW sản xuất khá nhỏ và không đắt, phù hợp với túi tiền của người dân tại Đức, nơi nền kinh tế bị tàn phá bởi chiến tranh.

2. Old Spice vốn dành cho phụ nữ

Ảnh: Quirkyfinds.com
Ảnh: Quirkyfinds.com
Old Spice vốn là công ty chuyên sản xuất hóa mỹ phẩm dành cho phụ nữ chứ không phải đấng mày râu. Được giới thiệu vào năm 1937, sản phẩm đầu tiên của hãng có tên Early American Old Spice và dành cho phái yếu. Chỉ một năm sau đó, dòng sản phẩm cho nam giới được tung ra thị trường.

3. Lysol vốn là thương hiệu thuốc tránh thai

Ảnh: Wikimedia.com
Ảnh: Wikimedia.com
Trước năm 1911, các bác sĩ ghi chép được 193 trường hợp dị ứng Lysol và 5 ca tử vong do rửa dạ con. Thời đó, nữ giới coi sản phẩm mà ngày nay chỉ dùng để xịt toilet như một hình thức tránh thai.
Vào đầu thế kỷ 20, những hình thức tránh thai hiệu quả như bao cao su hay vòng tránh thai không những đắt mà còn bị kiểm soát bởi ngành y. Mặc dù không được chính thức “dán nhãn” là một liệu pháp tránh thai, nhưng người ta vẫn quảng cáo Lysol như là một sản phẩm tương tự vậy. Phụ nữ lúc bấy giờ cũng tin rằng sử dụng Lysol sẽ giúp họ tránh có thai ngoài ý muốn, do thiếu thông tin về sức khỏe tình dục.
Đến năm 1953, chất sát trùng mạnh cresol trong công thức đã được thay thế bằng ortho-hydroxydiphenyl, và Lysol chỉ có thể giúp giữ vệ sinh và điều trị nấm ngoài da. Dù vậy, Công ty Lehn & Fink Products vẫn không dừng chiêu trò tiếp thị của mình.

4. Hệ thống bán hàng Sears đi lên từ dịch vụ đồng hồ đặt hàng qua thư

 

Ảnh: Nypost.com
Ảnh: Nypost.com
Sears từng là một trong những hệ thống bán hàng lớn nhất nước Mỹ. Hệ thống này bán đủ các mặt hàng từ tủ lạnh đến cối xay, hay phụ tùng xe gắn máy với mức giá phải chăng. Nhưng trước đó, Sears chỉ là một hãng bán đồng hồ nhận đặt hàng qua thư.
Được Richard W. Sears thành lập vào năm 1886, công ty R. W. Sears Watch chuyên bán đồng hồ cho những người đặt hàng qua thư. Năm 1887, Sears thuê Alvah C. Roebuck làm thợ sửa đồng hồ. Bằng cách này họ không những bán mà còn có thể sửa chúng.
Năm 1889, Sears bán lại công ty, nhưng vẫn giữ trong đầu mô hình kinh doanh ấy. Ông cùng Roebuck gây dựng một dịch vụ nhận đơn hàng qua thư khác.
Đến năm 1893, công ty của 2 người được biết đến nhiều hơn dưới cái tên Sears, Roebuck & Company. Việc làm ăn tiến triển nhanh chóng do công ty cung cấp đa dạng các mặt hàng ở mức giá hợp lý. Mô hình catalog cho phép họ mở rộng thị phần ở những nơi không có cửa hàng bán lẻ như các làng làm nghề nông.
Phải đến tận năm 1925, sau gần 30 năm kể từ ngày đầu ra mắt, Sears mới khai trương cửa hàng bán lẻ đầu tiên. Những cửa hàng này phát triển thành hệ thống bán hàng nổi tiếng một thời, nhưng nay đang bị suy yếu.

5. Abercrombie & Fitch từng một cửa hàng bán đồ thể thao

Ảnh: Wordpress.com
Ảnh: Wordpress.com
Trong trường hợp này thì thương hiệu ngày nay Abercrombie vẫn có liên quan tới quần áo như thủa sơ khai nhưng được cách điệu nhiều và hướng tới đối tượng tuổi teen. Abercrombie đã có sự chuyển đổi vô cùng ấn tượng. Năm 1898, David T. Abercrombie mở một cửa hàng bán trang phục thể thao ở Manhattan và đặt tên là “Abercrombie Co.”.
Đến năm 1904, luật sư Ezra Fitch - một khách hàng quen thuộc đã mua lại phần lớn cổ phần của công ty và đổi tên cửa hàng thành Aberrombie & Fitch như ngày nay.
Mặc dù Abercrombie đã bán hết cổ phần của mình vào năm 1907 nhưng việc kinh doanh vẫn vô cùng thuận lợi, đến mức vào năm 1910, ông chủ của hãng đã mở được một trung tâm mua sắm 12 tầng tại đại lộ Madison, New York bao gồm cả khu vực bắn súng trong nhà và một sân golf.
Sau gần 30 năm, Abercrombie & Fitch tự tin khẳng định mình là “Nhãn hiệu trang phục thể thao lớn nhất thế giới” trên logo của hãng. Hơn 100 năm trôi qua, A&F giờ đây là một thương hiệu thời trang teen nổi tiếng.
Theo Hoài Thu
Zing.vn